Saturday, 20/04/2024 - 16:05|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THCS SONG MAI, THÀNH PHỐ BẮC GIANG

GD&TĐ - Mô hình câu lạc bộ trong trường học ngày càng phát triển.

GD&TĐ - Mô hình câu lạc bộ trong trường học ngày càng phát triển. 

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sinh hoạt câu lạc bộ. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) sinh hoạt câu lạc bộ. Ảnh: NTCC

Đây không chỉ là nơi để học sinh trải nghiệm, bộc lộ năng khiếu mà còn hình thành năng lực phẩm chất từ sớm. Câu lạc bộ được các nhà trường xem như giải pháp để giáo dục toàn diện.

Mũi tên hướng tới nhiều đích

Nhằm góp phần hình thành năng lực và phẩm chất cho hơn 1.300 học sinh, Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) đã thành lập gần 20 mô hình câu lạc bộ từ chuyên môn (Toán, Văn, Tiếng Anh) tới năng khiếu (Mỹ thuật, Âm nhạc, Kỹ năng sống), câu lạc bộ STEM.

“Các câu lạc bộ nằm dưới sự định hướng, giảng dạy trực tiếp của giáo viên bộ môn giúp học sinh phát triển các kỹ năng, phẩm chất. Nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh đoạt giải cấp quốc gia, tỉnh đều “bước ra” từ mô hình câu lạc bộ. Thời gian tới, nhà trường hướng tới tăng cường phát triển giao tiếp; hướng học sinh đến hình thức học nhóm, hoạt động, tổ chức sự kiện nhóm… để giáo dục toàn diện”, thầy Đoàn trao đổi.

Thầy Bùi Bằng Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A cho biết: 5 năm trước, mô hình câu lạc bộ còn nhỏ, đến nay đã tăng cả quy mô lẫn nội dung, hình thức triển khai. Nhà trường xem đây như phương tiện để phát triển giáo dục toàn diện học trò.

Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định), cô Đào Thị Ngọc Phương chia sẻ: Các câu lạc bộ của trường thành lập nhằm phát huy năng lực học sinh qua hoạt động ngoài giờ, từ đó rèn luyện, phát hiện, bồi dưỡng những em có thực lực phát huy sở trường. Mỗi học sinh tham gia ít nhất một câu lạc bộ, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi khi đang ngồi trên ghế nhà trường, vừa hạn chế tham gia các tệ nạn xã hội.

Đến nay, Trường THPT Trần Hưng Đạo có hơn 1.200 đoàn viên, thanh niên. Đoàn trường đã chỉ đạo thành lập mới và duy trì hoạt động của 18 câu lạc bộ, tiêu biểu như: Tiếng Anh, nghiên cứu khoa học, sách và hành động, khiêu vũ, văn hóa nghệ thuật, kỹ năng sống, võ thuật, câu lạc bộ tổ chức sự kiện… Các câu lạc bộ đều được đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, gần gũi hơn với thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để hội viên, thanh niên trở thành chủ thể của hoạt động.

Đáng nói, mỗi câu lạc bộ của trường đều có lịch hoạt động riêng, thời gian hoạt động khác nhau và tùy vào đặc thù của câu lạc bộ. Ví như, đầu năm học, các câu lạc bộ tổ chức những đợt tuyển thành viên giúp học sinh mới vào trường có thêm sự tự tin, hòa nhập nhanh với môi trường mới. Với hình thức tự nguyện, học sinh thấy được khả năng, sở thích của mình phù hợp với câu lạc bộ nào thì đăng ký. Các em được quyền đổi câu lạc bộ nếu không phù hợp.

Với giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi việc tham gia các câu lạc bộ của học sinh lớp mình, từ đó, có biện pháp xử lý, giúp đỡ, đề xuất ý kiến để trò đăng ký. Mỗi câu lạc bộ có hơn 10 học sinh đăng ký tham gia, có chương trình hành động cụ thể…

Dù là trường chuyên nhưng Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã tổ chức thành công hơn 10 mô hình câu lạc bộ. Dưới sự định hướng của Đoàn trường, học sinh tham gia theo sở thích, các hoạt động được chủ động nội dung, hình thức…

“Học sinh trường chuyên học tập nặng, do đó khi triển khai mô hình câu lạc bộ, các em đón nhận nhiệt tình, chủ động, phụ huynh ủng hộ bởi xem đây như sân chơi giải tỏa áp lực học tập, tăng cường kiến thức, kỹ năng theo một hình thức khác. Qua đây, các em cũng được trải nghiệm ngay kiến thức học trên lớp vào thực tế; phát triển năng khiếu văn hóa nghệ thuật, thể thao… Làm tốt hoạt động này, học sinh trường chuyên không chỉ biết tới kiến thức, trở thành ‘gà công nghiệp’ mà còn được phát triển cả những năng khiếu, sở thích… ngoài kiến thức…”, thầy Hiệu trưởng Trần Quang Hồng trao đổi.

Lê Nguyễn Hà Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ: Em thích câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật vì thỏa niềm đam mê ca hát, nhảy múa, làm MC. Tham gia câu lạc bộ, em giảm được những áp lực, căng thẳng của việc học tập. Mặt khác, được thể hiện năng khiếu, sở trường, hình thành sự tự tin trước đám đông… Rất nhiều năng lượng tích cực em thu nhận được khi tham gia câu lạc bộ.

Giáo dục toàn diện từ mô hình câu lạc bộ ảnh 1

Học sinh Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự biên tự diễn các tiết mục văn nghệ. Ảnh: NTCC

Để câu lạc bộ phát huy vai trò

Khẳng định sự cần thiết, hữu ích của câu lạc bộ học mang lại, đồng thời xem đây như giải pháp để giáo dục toàn diện học sinh, song thầy Bùi Bằng Đoàn cho rằng vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ để các mô hình câu lạc bộ phát triển chiều sâu. Minh chứng, hiện nay việc giao người phụ trách câu lạc bộ ở mỗi trường một kiểu. Vấn đề nhân sự, nội dung triển khai trong các câu lạc bộ cũng chưa có cơ sở, văn bản quy định, hướng dẫn, thống nhất chung.

Cơ sở vật chất cho triển khai câu lạc bộ cũng đang là vấn đề đáng quan tâm. Các môn học như nghệ thuật (Âm nhạc, Đàn, Mỹ thuật, Công nghệ…) đòi hỏi phải có phòng học chuyên dụng. Trong khi đó các trường chỉ có phòng học thông thường, trang thiết bị đồ dùng dạy học chưa đáp ứng được tính chuyên biệt. Đồ dùng, thiết bị dạy học dù được đầu tư theo Chương trình GDPT mới cũng chỉ đáp ứng phần nào yêu cầu của mô hình câu lạc bộ.

Đặc biệt, hoạt động câu lạc bộ không thể sắp xếp hết vào giờ hành chính, còn ngày nghỉ cuối tuần khó triển khai. “Giáo viên dù nhiệt tình, tự nguyện cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình. Không thể ép giáo viên tham gia ngày nghỉ bởi cả tuần vừa kiêm nhiệm dạy học lẫn phụ trách các câu lạc bộ…”, thầy Đoàn chia sẻ.

Thầy Trần Quang Hồng cũng chỉ ra, kinh phí dành cho hoạt động câu lạc bộ hạn hẹp đang trở thành rào cản của chất lượng. Một số câu lạc bộ đòi hỏi đầu tư nhiều như nghiên cứu khoa học, giáo dục STEM… thì nguồn kinh phí của trường không đủ. Học sinh không thể đóng góp lớn. Việc xã hội hóa không dễ dàng…

Vấn đề khác cũng được thầy Hồng lưu ý chính là chất lượng của đội ngũ phụ trách câu lạc bộ bởi nếu không đảm bảo được yêu cầu thì hoạt động câu lạc bộ dễ đi vào bề nổi, không có phương pháp hiệu quả để khơi dậy năng khiếu, phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh... Từ những hạn chế, khó khăn của mô hình câu lạc bộ trong các nhà trường, thầy Hồng cho rằng để câu lạc bộ phát huy vai trò, góp phần giáo dục toàn diện cần sự đầu tư cả nguồn lực và nhân lực; có hướng dẫn triển khai, quy định chung…

Tham gia câu lạc bộ Tiếng Anh, Nguyễn Minh Hùng, lớp 12 Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) được thầy, cô, bạn bè nhận xét kỹ năng giao tiếp tiến bộ từng ngày. Câu lạc bộ tiếng Anh còn giúp em tự tin, nâng cao kiến thức và tiếng Anh không còn là môn học khó khăn…

 

Lượt xem: 486
Tác giả: Trường THCS Song Mai
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 412
Hôm qua : 722
Tháng 04 : 8.351
Năm 2024 : 70.299