Friday, 19/04/2024 - 17:00|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRƯỜNG THCS SONG MAI, THÀNH PHỐ BẮC GIANG

Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp gắn với nhu cầu của xã hội

GD&TĐ - Công tác giáo dục hướng nghiệp là hoạt động không thể thiếu được ở các trường phổ thông nhằm giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết về nghề nghiệp.

Đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi.

Đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi.

Hướng nghiệp giúp nâng cao hiệu quả lao động xã hội

Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh, trường THPT Nguyễn Du (Nam Định) cho rằng, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông có mục đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh. Trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú sở thích cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động trong các hoạt động đa dạng của đời sống xã hội.

Thực hiện được mục đích này, công tác giáo dục hướng nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả lao động xã hội.

Công tác hướng nghiệp là một hệ thống những biện pháp tâm lý-giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên. Đối chiếu với các năng lực đó với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra đối với người lao động, có tính đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội.

Trên cơ sở đó người làm công tác hướng nghiệp sẽ có những tư vấn, lời khuyên về chọn nghề, chọn ngành có căn cứ khoa học. Đồng thời, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn giúp định hướng học sinh chọn đúng nghề nghiệp theo năng lực của bản thân.

Theo cô Hạnh, thực tế cho thấy, trong những năm qua, công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục. Bước đầu đã có sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, chuyên gia trong tư vấn hướng nghiệp cho học sinh góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội đối với việc chọn nghề, chọn ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp học sinh trong trường phổ thông còn tồn tại hạn chế như chưa thực hiện hết chức năng của giáo dục hướng nghiệp.

Chưa tạo ra sự khác biệt về chất cả trên bình diện thái độ nghề nghiệp lẫn hiểu biết nghề nghiệp. Đặc biệt là chưa phát triển được năng lực lựa chọn nghề nghiệp phù hợp của từng học sinh dựa trên sự hiểu biết rõ về năng lực của bản thân và hiểu biết những yêu cầu cốt yếu của nghề mà người học định chọn.

Bên cạnh đó là thiếu cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia và hoạt động hướng nghiệp. Việc phối hợp giữa nhà trường và cơ sở đào tạo, doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục chưa tốt, thiếu chặt chẽ.

Thực tế, nhiều học sinh chủ yếu lựa chọn các ngành mà các em cho rằng có thu nhập cao lại nhàn nhã như kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán…. Học sinh không căn cứ vào năng lực cá nhân, điều kiện gia đình, không chú ý đúng mức đến những nhu cầu của thị trường lao động trong việc chọn nghề, chọn ngành và chọn trường.

Hệ thống thông tin thị trường lao động và thông tin về nhu cầu lao động của các ngành nghề còn hạn chế, thiếu cập nhật. Sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh hiệu quả chưa cao.

Nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp trong nhà trường

Nhiều chuyên gia đã nêu ra những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp thông qua việc đổi mới và tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh và học sinh cũng như các tầng lớp nhân dân về chủ trương giáo dục hướng nghiệp.

Các địa phương cần đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội. Ngành giáo dục và đào tạo cần xây dựng chuyên trang về giáo dục hướng nghiệp trên hệ thống thông tin quản lý nhằm cung cấp dữ liệu chính xác về nghề nghiệp, thị trường lao động.

Bên cạnh đó, cần mô tả ngành nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành nghề, phù hợp với từng vùng miền, khu vực. Đồng thời, kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, tổ chức hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường gắn với việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi.

Tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn.

Tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo định hướng giáo dục tích hợp khoa học- công nghệ-kỹ thuật-toán phù hợp với xu hướng phát triển ngành nghề quốc gia, đáp ứng thị trường lao động, chuẩn bị điều kiện đào tạo nhân lực cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi.

Thứ ba, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn, nhất là phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp.

Xây dựng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tư vấn làm công tác giáo dục hướng nghiệp phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong hoạt động tư vấn, có phương pháp tư vấn hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin phù hợp với từng cấp học.

Có cơ chế thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nhân thành đạt,… tham gia làm công tác tư vấn, hướng nghiệp. Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư hướng dẫn về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh. Quan tâm học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách.

Thứ tư, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học tiên tiến gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.

Thứ năm, huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp. Tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Lượt xem: 66
Tác giả: Trường THCS Song Mai
Bài tin liên quan
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 275
Hôm qua : 641
Tháng 04 : 7.492
Năm 2024 : 69.440